Bí kíp xác định mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong CV xin việc trơn tru - chuyên nghiệp
10/04/2024
Mục tiêu nghề nghiệp là thông tin không thể thiếu trong CV xin việc của tất cả các ngành nghề. Vậy nhưng liệu bạn đã biết cách viết phần này sao cho phù hợp, hiệu quả nhất chưa? Hãy cùng tìm hiểu bí kíp xác định mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong CV xin việc trơn chu - chuyên nghiệp qua bài viết dưới đây nhé.
I. 3 bước viết mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong CV chuẩn nhất
Để xác định được mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong CV xin việc một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất, bạn hãy làm theo 3 bước sau đây:
Bước 1: Xác định rõ mục tiêu cá nhân
Ở bước này, bạn cần trả lời được những câu hỏi:
- Tôi là người như thế nào?
- Tôi có thể làm được những gì?
- Mong muốn của tôi về công việc, sự nghiệp là gì?
Đây có thể coi là quá trình kiếm tìm, khám phá bản thân. Chỉ khi bạn biết rõ mình muốn gì thì mới có thể định hướng phát triển rõ ràng trong tương lai.
Bước 2: Xác định tiềm năng phát triển của vị trí/ lĩnh vực và nhu cầu của tổ chức/ doanh nghiệp đang ứng tuyển
Hãy xem xét kĩ lĩnh vực bạn đang dự định làm việc, từ đó tính mức độ phù hợp với mong muốn, nhu cầu của mình, xem bản thân có hợp với ngành này hay không, có thích làm về mảng này hay không.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần nghiên cứu văn hóa cũng như định hướng phát triển của doanh nghiệp. Điều này đóng vai trò rất quan trọng giúp bạn quyết định mức độ phù hợp của bản thân với tổ chức/ doanh nghiệp đó.
Bước 3: Tổng hợp và rút ra mục tiêu chung phù hợp nhất
Từ những nghiên cứu, tìm tòi của bản thân, bạn hãy chọn ra những điểm chung giữa mục tiêu của bản thân với mục tiêu của doanh nghiệp, công việc rồi ghi chúng vào CV một cách ngắn gọn, rõ ràng.
Mục tiêu đề ra càng cụ thể thì bạn càng được nhà tuyển dụng đánh giá cao. Từ đó thành công đạt được vị trí công việc mình mong muốn.
II. Giải đáp những câu hỏi liên quan đến mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong CV
1. Dung lượng chuẩn cho phần mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong CV là gì?
Dung lượng chuẩn cho phần mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong CV thường rơi vào khoảng 2 - 4 dòng mỗi mục tiêu. Điều này đảm bảo được sự ngắn gọn, cô đọng trong cách trình bày nhưng vẫn cung cấp đủ thông tin cần thiết.
Đối với mỗi mục tiêu, bạn nên sử dụng khoảng 50 từ để mô tả một cách cụ thể, rõ ràng và thuyết phục. Điều này giúp nhà tuyển dụng hiểu và nắm bắt rõ hơn về định hướng sự nghiệp của bạn.
2. Nhà tuyển dụng thấy được gì qua phần mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong CV của ứng viên?
- Tính cách và tư duy của ứng viên: Ví dụ, đọc phần mục tiêu sáng tạo, logic, lời văn rõ ràng, mạch lạc, nhà tuyển dụng có thể thấy được tư duy chiến lược, sự linh hoạt cũng như khả năng tư duy độc lập của ứng viên.
- Mức độ phù hợp của ứng viên với công việc: Qua phần mục tiêu, nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng đánh giá được liệu ứng viên có kế hoạch phát triển kỹ năng và kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu công việc hay không.
- Tiềm năng gắn bó lâu dài của ứng viên: Phần mục tiêu dài hạn cho thấy khả năng và ý chí của ứng viên trong việc gắn bó lâu dài với tổ chức. Nhà tuyển dụng có thể đánh giá được liệu ứng viên có định hướng tương lai phù hợp với mục tiêu và giá trị của tổ chức hay không. Từ đó, đưa ra quyết định về sự phù hợp lâu dài của ứng viên.
3. Những ứng viên chưa có kinh nghiệm nên viết mục tiêu ngắn hạn và dài hạn như nào?
Phần mục tiêu nghề nghiệp trong CV dường như luôn khá "khó nhằn" với ứng viên chưa có kinh nghiệm, đặc biệt là sinh viên mới ra trường. Lí do là những đối tượng này còn khá mông lung về sự nghiệp, chưa thực sự hiểu rõ bản thân mình có thể làm gì trong tương lai.
Để giải quyết vấn đề này, bạn có thể tham khảo 1 số gợi ý sau:
- Xác định sở thích, nhu cầu của bản thân, tự ghi ra những điều mình thích và mong muốn trong công việc.
- Viết mục tiêu ngắn hạn trước. Ở đây, bạn có thể nêu 1 số thế mạnh của bản thân về lĩnh vực đang ứng tuyển. Sau đó, nêu lên mong muốn được trau dồi thêm cả về kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng trong CV của mình. Những điều này nên được ghi trung thực để nhà tuyển dụng có cái nhìn rõ nét nhất về bạn nhé.
- Với mục tiêu dài hạn, như đã nói ở trên, bạn hãy nghiên cứu kỹ cả về công việc và môi trường, định hướng của doanh nghiệp đang tuyển. Hãy đặt ra những mục tiêu cụ thể, sát với thực tế và năng lực bản thân nhất. Tuyệt đối không viết quá viển vông, thiếu căn cứ, VD "Tôi mong muốn sau 1 năm làm việc có thể lên được vị trí quản lý" nhé.
Trên đây là những lưu ý để giúp bạn dễ dàng xác định mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong CV xin việc 1 cách hiệu quả, nhanh chóng nhất. Hi vọng bài viết đã đem tới cho bạn nhiều thông tin hữu ích, từ đó thành công chinh phục công việc mơ ước nhé.